Có nhiều điểm
leo núi và cắm trại đẹp như mơ chỉ cách Sài Gòn vài ba tiếng di chuyển, bạn có
cảm thấy hứng thú không? hãy cùng chúng tôi khám phá những điểm du lịch tuyệt vời này nhé.!!! ^..^
1. Tà Năng – Phan Dũng
Cung đường trekking xuyên rừng đi qua
ba tỉnh Lâm Đồng – Ninh Thuận – Bình Thuận đang thu hút những người mê khám phá
ở phía Nam. Điểm xuất phát từ xã Tà Năng hoặc xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng (Lâm
Đồng), cần khoảng 3 ngày 2 đêm để trải qua gần 60 km băng rừng, leo đèo, vượt
suối, di chuyển từ độ cao 1.100 m xuống còn 500 m so với mực nước biển.
Cảnh vật ấn tượng nhất là những đồi
cỏ bao la, lác đác hàng thông xanh rì, xa xa là mây trời lảng bảng, cảnh quan
kỳ vĩ mà yên bình như tranh vẽ. Điểm cuối của hành trình là xã Phan Dũng, sau
đó đón xe ôm ra ngã tư Liên Hương (Tuy Phong, Bình Thuận) để đón xe khách di
chuyển về TP HCM hoặc tỉnh khác.
2. Núi Chứa Chan, Đồng Nai
Núi Chứa Chan là ngọn núi cao thứ 2
Nam Bộ, với độ cao 800m, nằm ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Với tên gọi bắt nguồn
từ tiếng Chăm là Chơk Chăn – có nghĩa là núi non, nơi đây còn được biết đến với
nhiều tên gọi khác như núi Gia Ray, Gia Lào.
Trên núi tọa lạc chùa Bửu Quang, chùa
lớn nhất và nằm ở vị trí cao nhất so với nhiều chùa khác trong khu vực. Nếu
muốn leo núi kết hợp viếng chùa Bửu Quang, bạn có thể vào từ cổng chính của Khu
du lịch núi Chứa Chan, leo gần 400 bậc thang để đến chùa, rồi từ chùa mới men
theo rừng lên đến đỉnh núi.
Để đến núi Chứa Chan, các bạn chạy xe
máy theo quốc lộ 1 hướng đi về Phan Thiết, đi qua thị xã Long Khánh khoảng 25km
tới ngã ba Ông Đồn thì rẽ tay trái vào đường Hùng Vương, tiếp tục đi thêm
khoảng 1km đến công viên 9-4. Từ đây hỏi đường, rẽ trái vào sát chân núi để lên
đỉnh theo đường dây điện; hoặc tiếp tục đi thêm 3km, rẽ trái sẽ vào một độc đạo
đưa bạn vào lối lên đỉnh theo đường chùa.
Ngoài ra, bạn có thể rút ngắn quãng
đường 110km bằng cách đi theo quốc lộ 51 thay vì qua TP Biên Hòa. Cứ đi qua ngã
ba Dầu Giây, thẳng đến Long Khánh rồi đi thẳng đến Xuân Lộc, đến ngã ba Ông Đồn
rẽ trái hướng về chân núi.
3. Núi Bà Đen, Tây Ninh
Là ngọn núi cao nhất miền Đông Nam Bộ (986 m), cách TP. Tây Ninh 11 km về phía Đông Bắc, núi Bà Đen thu hút đông đảo phượt thủ chinh phục mỗi cuối tuần. Có nhiều hướng để lên đỉnh: đường chùa (ngắn nhất, nhưng lại dốc nhất, nhiều đá tảng khó vượt qua), đường cột điện (đường dễ leo và phổ biến nhất), đường Ma Thiên Lãnh (khó đi và dài), đường dốc Đá Trắng (khó chinh phục nhất, chỉ thích hợp cho bạn nào có sức khỏe tốt).
Nếu leo núi ban ngày dễ ngắm cảnh hơn, ít nguy hiểm, nhưng trời khá nắng nóng còn leo núi ban đêm, bạn sẽ được có nhiều trải nghiệm thú vị: ngắm hoàng hôn dần buông, soi đèn tìm đường đi, lạc lõng giữa núi rừng chỉ bốn bề bóng tối…
Nhìn từ xa, núi Bà Ðen sừng sững như một chiếc nón úp giữa đồng bằng, nửa như muốn thách thức, nửa như quyến rũ những người ưa khám phá. Càng lên cao không khí trên núi càng mát dịu, lên đến đỉnh núi, bạn sẽ được thỏa thích phóng tầm mắt ngắm nhìn quang cảnh của một vùng đất hoang sơ nhưng đầy thơ mộng.
4. Núi Cấm, An Giang
Núi Cấm tọa lạc tại xã An Hảo, huyện
Tịnh Biên, tỉnh An Giang với độ cao khoảng 710m so với mực nước biển, còn gọi
là Thiên Cấm Sơn. Đây là ngọn núi cao nhất của vùng Thất Sơn hùng vĩ, một vùng
sơn địa đặc thù độc đáo không chỉ của tỉnh An Giang, mà của cả vùng Đồng bằng
sông Cửu Long. Đặc biệt, trên đỉnh Núi Cấm sở hữu những công trình kiến trúc
tôn giáo quy mô như tượng Phật Di Lặc ngồi trên đỉnh núi cao 33,6m, chùa Vạn
Linh, Thiền viện chùa Phật Lớn…
Núi Cấm có khí hậu mát mẻ và phong
cảnh đẹp. Nơi đây có nhiều truyền thuyết, huyền thoại đầy bí ẩn, thu hút phượt
thủ chinh phục. Con đường lên núi nhìn từ xa như một con rắn ngoằn ngoèo nằm
vắt ngang từ chân tới đỉnh núi. Mỗi độ cao lại có những điều thú vị khác nhau.
Nếu chuyến đi bắt đầu từ sáng sớm bạn sẽ nhìn thấy những đám mây bay là là trên
mặt đất trải rộng khắp cánh đồng lúa mênh mông.
5. Núi Chúa, Ninh Thuận
Vườn quốc gia Núi Chúa nằm phía Đông
Bắc tỉnh Ninh Thuận, thuộc huyện Ninh Hải. Với diện tích gần 30.000 ha cùng
chiều dài 57km, Núi Chúa có hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng hiếm thấy ở
nước ta, có nhiều sinh vật quần tụ phong phú và đa dạng. Tuy tại đây ít mưa
nhưng lại có “Hồ treo” quanh năm nước trong xanh cùng nhiều con suối lớn như Lồ
Ô, Đông Nha, Kiền Kiền không bao giờ cạn nước.
Nơi rừng và biển giao hòa này rất phù
hợp cho những chuyến đi dã ngoại. Giữa không gian trầm lắng giữ nguyên vẻ đẹp
hoang sơ quyến rũ, bạn sẽ được vùng vẫy trong làn nước mát lạnh, ngắm nhiều
cảnh đẹp nên thơ, mạo hiểm trên những vách núi chênh vênh bên bờ biển hoặc khám
phá những hang động thiên nhiên tuyệt đẹp. Nếu dựng lều cắm trại qua đêm ở Núi
Chúa vào đúng thời điểm, bạn còn có thể tận mắt xem rùa biển đẻ trứng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét